Hoàn thiện các kỹ năng cần thiết, tôi xác định lại mục tiêu thu nhập, viết CV chuẩn bị tìm công việc mới

Sau hơn nửa năm lập nhóm học tập, cày cuốc và làm việc cùng với những người bạn đại học, tôi cuối cùng cũng hoàn thiện những kỹ năng mà bản thân đặt ra sau công việc đầu tiên. Tôi đã đủ tự tin và quyết định đi tìm công việc mới.

Xác định lại nguyện vọng bản thân

Photo by Ben White on Unsplash

Lúc chọn công việc đầu tiên, tôi chỉ đơn giản chọn một cơ hội mà tôi cảm thấy phù hợp và thích nhất trong những cơ hội mà tôi đang sẵn có, tôi chẳng quan tâm nhiều đến thu nhập hay định hướng công việc bởi lúc đó kinh nghiệm tôi gần như bằng không.

Còn lần này, với kinh nghiệm từ công việc trước đó, kinh nghiệm tham gia xây dựng một dự án lớn từ những bước đầu tiên ở công ty cũ, kinh nghiệm lập nhóm freelance và làm tất tần tật từ đầu đến cuối một dự án phần mềm, tôi biết tôi đang ở đâu, tôi có thể mang lại gì cho công ty, giá trị như thế nào, tôi cần gì ở công ty để tiếp tục phát triển bản thân. Tôi đặt ra cho mình mục tiêu và nguyện vọng trước khi đi xin việc:

  • Thu nhập: từ $1,000/tháng.
  • Thời gian làm việc: 4 ngày/tuần. Thời điểm này tôi vẫn đang ở cuối năm 3 đại học, còn gần 2 năm đến khi tốt nghiệp nên tôi vẫn phải dành thời gian để đến trường, chưa thể làm việc full time.
  • Công việc: kỹ sư phần mềm. Với kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có, tôi lúc này có thể tự tin làm việc như một kỹ sư phần mềm chứ không phải thực tập sinh hay fresher.
  • Môi trường làm việc: sử dụng tiếng Anh. Thời điểm này tôi không quan trọng về môi trường làm việc là startup hay product hay outsource, tôi muốn được trải nghiệm nhiều hơn trong quy trình xây dựng và phát triển phần mềm chuyên nghiệp để học hỏi thêm về kỹ luật lẫn quy trình và công tác quản lý. Tôi muốn được làm trong môi trường sử dụng tiếng Anh vì tôi thích tiếng Anh, tối muốn global và công việc sử dụng tiếng Anh cũng mang lại thu nhập cao hơn.

Cập nhật CV

Photo by Helloquence on Unsplash

Những nguyện vọng tôi kể ở trên là rất bình thường đối với một kỹ sư phần mềm có vài năm kinh nghiệm, nhưng là tương đối xa vời đối với một sinh viên cuối năm ba như tôi thời điểm đó. Do vậy, tôi cần phải cập nhật lại CV của tôi để đảm bảo nó có thể cạnh tranh được với các anh chị có vài năm kinh nghiệm.

Lúc đó, tôi làm 2 CV khác nhau, một bản ngắn và một bản dài:

  • Bản ngắn, tôi ghi bản thân có 5 năm kinh nghiệm, liệt kê nhiều nhất có thể những kiến thức và kỹ thuật mà tôi đã học và trải nghiệm (đại loại như MySQL, PostgeSQL, Redis, HTTP, RESTful, Websockets, TCP, UDP, Django, Java Spring, ExpressJS,…), phân chúng theo các nhóm khác nhau (thiết kế phần mềm, CSDL, web framework, frontend framework, …), và liệt kê ngắn gọn những dự án và kinh nghiệm lớn của tôi. Mục đích của bản này là để nhà tuyển dụng dễ dàng nhận thấy được ngay là tôi có kinh nghiệm, lượng kiến thức rộng và phù hợp với nhiều vị trí kỹ thuật khác nhau.
  • Bản dài, tôi liệt kê ra tất cả những dự án, kể cả những dự án nhỏ nhất, mà tôi đã từng làm hoặc tham gia làm ngay từ những ngày đầu tiên tôi bắt đầu với CNTT. Mục đích của bản này là để chứng minh cho 5 năm kinh nghiệm của tôi ở trên, bởi các nhà tuyển dụng chắc chắn sẽ ngờ vực về kinh nghiệm của tôi ngay khi thấy được năm sinh của tôi. Bản này được viết một cách chi tiết và tinh tế để các nhà tuyển dụng không nhận ra được quy mô của các dự án được liệt kê mà chỉ đọc sơ qua và ấn tượng về kinh nghiệm của tôi.

Đó là cách mà tôi, một sinh viên năm ba, viết CV để cạnh tranh được với các anh chị nhiều kinh nghiệm thời điểm đó. Tất cả những thông tin tôi ghi trong CV đều là thật, không hề dối trá, nhưng được viết một cách chi tiết và tinh tế để vừa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng, vừa làm các nhà tuyển dụng ấn tượng, xem tôi là một chàng sinh viên đặc biệt và xếp tôi ngang hàng với các anh chị nhiều khi nghiệm.

Tóm

Một số bài học ở bài viết lần này:

  • Trước khi đi xin việc (trừ công việc đầu tiên), bạn cần xác định bạn đang ở đâu trong một công ty, bạn có thể mang lại gì cho công ty, giá trị như thế nào, bạn cần gì ở công ty để tiếp tục phát triển bản thân. Điều này giúp bạn dễ dàng xác định được mục tiêu và nguyện vọng của bản thân, cũng như biết cách làm thế nào để chinh phục các nhà tuyển dụng.
  • Các nhà tuyển dụng tìm CV dựa trên các kiến thức và kỹ thuật, họ cũng không có thời gian để đọc một CV dài ngoằn. Để tăng khả năng trúng tuyển, bạn cần có một CV ngắn gọn nhưng đầy đủ kiến thức và kỹ thuật để khớp với thật nhiều vị trí công việc khác nhau. Những kiến thức và kỹ thuật liệt kê phải là những kiến thức mà bạn phải nắm ít nhất là cơ bản, không kể những kỹ thuật mà bạn chỉ nghe qua. Những kiến thức và kỹ thuật này sẽ được hỏi trong buổi phỏng vấn, nên nếu bạn không thành thật, bạn chỉ làm tốn thời gian của chính bạn và nhà tuyển dụng.
  • Để có thể cạnh tranh với các anh chị nhiều kinh nghiệm hơn, tìm cách liệt kê nhiều nhất có thể những công việc và kinh nghiệm bản thân trải qua, dù là nhỏ nhất và ngay từ những ngày đầu tiên. Mô tả các công việc và kinh nghiệm đó một cách tinh tế để các nhà tuyển dụng không phân biệt được quy mô của chúng. Mục đích là để CV bạn trở nên ấn tượng và được xếp ngang hàng với các anh chị nhiều kinh nghiệm hơn. Các nhà tuyển dụng thường sẽ chỉ đọc lướt qua phần này, họ cũng không hỏi quá nhiều về chúng trong phỏng vấn, số năm kinh nghiệm thực tế cũng không phản ánh được khả năng của bạn.

--

--

Minh-Phuc Tran

Software Engineer. Documenting my journey at 𝐩𝐡𝐮𝐜𝐭𝐦𝟗𝟕.𝐜𝐨𝐦